xem chi tiet tin - Sở Lao động Thương binh và Xã hội

 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Hướng dẫn thực hiện lồng ghép hoạt động phòng ngừa mại dâm với các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở

Ngày 06-02-2023

Ngày 31/01/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Công văn số 221/LĐTBXH-PCTNXH về việc thực hiện lồng ghép hoạt động phòng ngừa mại dâm với các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở.

Theo đó, mục đích của việc hướng dẫn lồng ghép hoạt động phòng, ngừa mại dâm với các chương trình, kế hoạch có liên quan tại địa bàn cơ sở nhằm đảm bảo quá trình xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình của các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể có liên quan ở địa phương có tính phối hợp liên ngành, gắn kết nhu cầu và lợi ích của các nhóm đối tượng mục tiêu, đẩy mạnh huy động các nguồn lực để giải quyết đồng bộ những vấn đề về kinh tế, xã hội theo từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương.

Nội dung chủ yếu lồng ghép:

1. Lồng ghép đối tượng thụ hưởng

a) Đối với các hoạt động phòng ngừa mại dâm: thanh niên chưa có việc làm; người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; lao động di cư; lao động nông thôn; nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới; đối tượng thanh niên thuộc các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng có nguy cơ cao khác.

b) Đối với các can thiệp giảm hại, hỗ trợ xã hội: người bán dâm; người bán dâm nhiễm HIV/AIDS, nghiện ma tuý.

2. Lồng ghép hoạt động (can thiệp) của các chương trình, dự án, đề án thực hiện trên cùng địa bàn

a) Hoạt động truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm (xây dựng và thực hiện các kế hoạch truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền phòng ngừa ở cộng đồng; chú trọng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; địa bàn có nhiều người di cư để hạn chế phát sinh mới số người tham gia mại dâm).

b) Hoạt động hỗ trợ sản xuất, học nghề, tạo việc làm cho các đối tượng mục tiêu (lồng ghép đối tượng thụ hưởng thông qua các chính sách hiện hành về hỗ trợ hộ nghèo, chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, dạy nghề gắn với việc làm cho lao động nông thôn, xuất khẩu lao động đối với hộ nghèo,...).

c) Các hoạt động, can thiệp giảm hại, hỗ trợ xã hội cho người nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân bị mua bán, bị bạo hành, bạo lực (tư vấn khám chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng, chống HIV/AIDS, hỗ trợ cấp phát bao cao su, tư vấn phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, tư vấn pháp lý, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm,...).

3. Lồng ghép trong bố trí, phân bổ nguồn lực

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí kinh phí trong kế hoạch hàng năm và kế hoạch giai đoạn 2021-2025 cho các ngành, các cấp trên địa bàn quản lý thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm; Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã có trách nhiệm huy động các nguồn lực của địa phương, các đơn vị, tổ chức, cá nhân và lồng ghép nguồn vốn, kinh phí các chương trình, dự án, nhiệm vụ, chế độ, chính sách khác trên địa bàn để thực hiện Chương trình.

b) Việc lồng ghép nguồn lực phải thực hiện từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách, tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả; chú ý lựa chọn lồng ghép các chương trình, dự án đã và đang thực hiện để phát huy hiệu quả; phân tích đầy đủ yếu tố chi phí và hiệu quả, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

c) Huy động sự tham gia của cộng đồng, sự tham gia của khu vực tư nhân và người dân địa phương trong triển khai thực hiện. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách xã hội hóa nhằm huy động các nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân để thực hiện các nội dung của Kế hoạch phòng, chống mại dâm của địa phương./.

Nguyễn Văn Đoàn

* Để xem thêm chi tiết, tải về tại đây
1. Công van_221 (1).pdf_20230208213607.pdf

Đang online: 1
Hôm nay: 1979
Đã truy cập: 1710944
Bạn chưa có đủ quyền truy nhập portlet này.